Đây cũng là một trong những câu hỏi mà chúng tôi nhận được rất nhiều từ thời gian qua. Nhất là sau giai đoạn chăm sóc mai sau tết, các bạn cắt tỉa, bấm đọt mai kết hợp với thay đất và bổ sung phân thuốc cho cây.
Nhiều bạn làm theo hướng dẫn để bấm đọt mai nhưng cây mai không ra đọt non, cây mai không ra lá hoặc nếu ra chỉ có 1 đến 2 cành, dường như cây mai bị phá thế. Nhiều bạn nóng ruột và chạy khắp nơi để cao nhân chỉ cách làm cho mai ra nhiều nhánh, để cây mai ra tược. Bài viết sau chúng tôi xin giải tỏa các thắc mắc của các bạn và mách bạn cách làm cho mai ra nhiều nhánh.
Thời gian bạn bấm xả cành mai bao lâu rồi?
Nhiều bạn chỉ xả tàn mai khoảng 1 tuần đến nữa tháng mà các bạn thấy cây mai không ra lá non thì trong lòng tâm trạng rất bất an. Các bạn đừng lo lắng, thời gian mai ra lá non, và ra tược mới giao động từ 8 đến 40 ngày tùy theo vết cắt của các bạn.
Xem thêm cách tạo mô hình trồng mai vàng và chăm sóc cây mai vàng bị suy, khô cành phục hồi nhanh chóng
Nếu các bạn chỉ bấm đọt cho cây mai (cách đọt chỉ vài cm) thì khoảng 7 – 8 ngày cây mai sẽ lần lượt ra các đợt lá non mới. Nếu cắt tỉa cành mai càng sâu, hoặc các chi chính của cây mai thời gian ra lá non sẽ từ 20 ngày trở lên, tức là khoảng 3 tuần. Còn đối với những cây mai nào các bạn cắt sâu vào hơn nữa chì chừa lại vì trí mầm ngủ cuối cùng để sau này đón chi mới tại vị trí này thì mất khoảng trên 30 – 40 ngày cây mới bắt đầu nhú đọt non. Nhưng khi cây mai đã ra tược non rồi thì phát rất nhanh so với các cây mai chỉ xả tàn ngắn.
Thời gian cây mai ra lá non, tược non còn phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây mai, nếu bấm xả cành mai còn đang phát triển, cây còn lá non hoặc cây mai ra nhiều hoa dịp Tết thì cây sẽ chậm nứt tược hơn đối với những cây mai già, lá đã thành thục.
Những cây mai già hoặc thiếu tàn, thiếu chi bắt buộc chúng ta phải xả tàn, bấm sâu để cây đón nhận những cành mai trẻ hóa hơn, giúp cây ra hoa nhiều hơn và đẹp hơn.
Muốn cây mai ra nhiều nhánh các bạn phải cắt cành cho cây mai, thời điểm cắt cành ở Bình Định là sau tết và các thời gian tiếp theo là tạo dáng, cắt tỉa cho cây mai vào các tháng 5 và tháng 7. Hết tháng 7 công việc cắt tỉa uốn sửa cây mai xem như kết thúc và đón nhận sự chuyển giao giữa giai đoạn sinh trưởng và sinh sản của cây mai. Sau khi cắt tỉa cành chồi bên sẽ phát triển mạnh và dày đặc trên cây mai.
Tìm hiểu thêm Kĩ thuật để mai vàng ươm bằng hạt đạt tỷ lệ thành công 100%
Sau khi cắt tỉa cành nên bón phân gì cho cây mai?
Sau khi cắt tỉa cành mai các bạn không nên bón bất kỳ loại phân bón nào hết, chỉ dùng thuốc kích rễ cho cây, định kỳ 10 - 15 ngày/lần. Sau khi lá mai đã già các bạn mới bắt đầu cho cây mai ăn phân. Các loại phân thường sử dụng là các loại phân NPK có tỉ lệ đạm cao, kết hợp phân bón bánh dầu và các loại phân chứa các loại hormone mà chúng tôi đề cập ở bên dưới bài viết.
Vì sao khi cắt cành xả tàn mai, cây mai sẽ ra nhiều nhánh
Auxin điều chỉnh hiện tượng ưu tính ngọn, Ưu thế ngọn là một đặc tính quan trọng của thực vật. Đó là sự sinh trưởng của chồi ngọn hoặc rễ chính sẽ ức chế sự sinh trưởng chồi bên và rễ phụ. Sự tồn tại của chồi ngọn thì các chồi bên bị ức chế tương quan. Nếu loại trừ chồi ngọn hoặc rễ chính thì chồi bên hoặc rễ phụ thoát khỏi trạng thái ức chế và lập tức sinh trưởng.
Chồi ngọn là cơ quan tổng hợp auxin với hàm lượng cao. Khi vận chuyển xuống dưới, các chồi bên bị auxin ức chế trực tiếp. Cắt chồi ngọn hàm lượng auxin bị giảm xuống và các chồi bên được kích thích sinh trưởng. Trong sản xuất, việc tạo hình cho cây cảnh …bằng biện pháp cắt, tỉa chồi hoặc cưa đốn nhằm mục đích loại trừ ưu thế ngọn để cho chồi bên và các cành bên mọc ra. Việc cưa đốn sẽ tạo ra chồi mới, làm trẻ hóa vườn cây là một trong các biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm cải tạo vườn cây …
Mối liên quan giữa Auxin và Cytokinine trong việc hình thành chồi bên
Điều chỉnh sự hình thành rễ Trong sự hình thành rễ, đặc biệt là rễ bất định phát sinh từ các cơ quan dinh dưỡng thì hiệu quả của auxin rất đặc trưng. Có thể xem auxin là hocmon hình thành rễ. Vai trò của auxin với sự hình thành rễ được chứng minh rõ ràng trong nuôi cấy mô. Nếu trong môi trường chỉ cho chất điều hòa sinh trưởng là auxin thì mô nuôi cấy chỉ xuất hiện rễ mà thôi. Còn nếu muốn tạo chồi để có cây hoàn chỉnh thì phải bổ sung vào môi trường chất tạo chồi là cytokinine.
Vai trò sinh lý của cytokinine Hiệu quả đặc trưng nhất của cytokinine là hoạt hóa sự phân chia tế bào. Hiệu quả này có được là do nó kích thích sự tổng hợp acid nucleid, protein và có mặt trong ARN vận chuyển. Cytokinine là hormone hình thành chồi vì nó kích thích mạnh mẽ sự phân hóa chồi. Chính vì vậy mà cùng với auxin, nó điều chỉnh hiện tượng ưu thế ngọn, giải phóng các chồi bên khỏi sự ức chế tương quan của chồi ngọn. Hiệu quả này của cytokinine là đối kháng với auxin (sự cân bằng của auxin/cytokinine).
Như vậy là trong quy trình chăm sóc mai các bạn có thể thể dùng thêm các sản phẩm có chứa chất kích thích Cytokinine để tăng thêm hiệu quả trong việc hình thành chồi bên. Kết hợp với các sản phẩm chứa GA3 để tăng trưởng chiều cao ( ngoài ra có công dụng kích ra hoa,nẩy chồi …) và Auxin để giúp cây phát triển nhanh bộ rễ (Các hormone này ít hoặc nhiều sẽ có trong các sản phẩm phân bón trên thị trường).
Xem thêm Mua mai vàng con, hạt giống mai vàng ở đâu?
Các bạn có thể chưa biết hiệu quả sinh lý rõ rệt nhất của gibberellin (GA3) là kích thích mạnh mẽ sự sinh trưởng kéo dài của thân, sự vươn dài của lóng. Hiệu quả này có được là do của gibberellin kích thích mạnh lên pha giãn của tế bào theo chiều dọc. Vì vậy khi bón phân chứa gibberellin cho cây mai sẽ làm tăng nhanh sự sinh trưởng dinh dưỡng nên làm tăng sinh khối của cây. Dưới tác động của gibberellin làm cho thân cây tăng chiều cao rất mạnh. Nó không những kích thích sự sinh trưởng mà còn thúc đẩy sự phân chia tế bào.
Như vậy là các bạn đã biết vì sao cây mai của mình chậm ra lá non và cách để cây mai ra nhiều nhánh bằng việc cắt tỉa, xả tàn mai đồng thời nếu cần thiết bạn sẽ kết hợp sử dụng một số hormone tăng trưởng cho cây mai thông qua một số loại phân bón trên thị trường. Trường hợp những cây mai nào sau khi cắt tỉa có hiện tượng tụt nhựa cây, cành mai bị khô, da nhăn thì có thể chi đó sẽ bị chết, vì cây mai bị suy bộ rễ không phát triển, cách duy nhất là các bạn xem lại quy trình dinh dưỡng/ tưới nước cho cây mai của mình.
Cũng lưu ý vơi các bạn rằng nếu cây mai để trong tối thiếu ánh sáng như sau khi trưng tết thì các bạn nên cho cây mai tập làm quen với ánh sáng trước khi mang ra ngoài xả cành mai. Hy vọng những kiến thức trên chúng tôi có thể giải đáp những thắc mắc về hiện tượng cây mai không ra lá hoặc làm cách nào để cây mai ra nhiều nhánh cho các bạn.